Thần Táo quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ của Lão giáo Trung Quốc. Nhưng sau đó được Việt hóa thành sự tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Và người dân vẫn quen gọi chung là Táo quân hoặc ông Táo.

Ý nghĩa ngày ông Công ông Táo

Theo sự tích dân gian Việt Nam, hằng năm, vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân sẽ cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc lớn nhỏ xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa, Táo quân sẽ quay về hạ giới để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa của các gia đình.

Người xưa cũng cho rằng, sau khi nghe Táo quân bẩm báo, Ngọc Hoàng sẽ căn cứ vào đó để định đoạt, có thể khen thưởng hoặc quở phạt gia chủ. Vì thế, vào ngày 23 tháng Chạp, trước khi Táo quân lên thiên đình, người ta thực hiện nghi lễ cúng ông Táo để các ông “nói tốt“ cho nhà mình.

Vào ngày này, người dân làm mâm cơm để bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần. Đồng thời, đây cũng là dịp để người người, nhà nhà trở về sum họp, quây quần sau một năm làm ăn vất vả. Tùy theo điều kiện gia đình mà có những mâm cỗ lớn nhỏ khác nhau.